Vài nét tiêu biểu về ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa cùng cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến!
Bạn mơ ước một ngày nào đó mình sẽ chế tạo ra một con robot giúp ích cho cuộc sống, hay đơn thuần bạn muốn mình là người vận hành kỹ thuật tại các nhà máy điện, trở thành một kỹ sư điều khiển các dây chuyển sản xuất tự động hay cao hơn là Giám đốc kỹ thuật tại một doanh nghiệp... thế thì đừng chần chừ để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi ngành “Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là gì? Cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp?” nhé!
Bài viết dưới đây sẽ giúp cho những bạn đang mong muốn theo đuổi ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa giải tỏa được niềm trăn trở chính đáng này. “Vài nét tiêu biểu về ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa cùng cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp” chúng ta sẽ cùng tìm hiểu, trả lời và định hướng tương lai các bạn nhé!
Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là gì?
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đất nước ta đang bước vào giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, bất cứ ngành nghề kỹ thuật nào cũng cần đến tự động hóa. Phải khẳng định rằng, hệ thống điều khiển và tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của tất cả các ngành kinh tế. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành này luôn có thu nhập cao và không bao giờ sợ thất nghiệp trong hiện tại và cả tương lai.
Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá là ngành nghiên cứu, thiết kế, vận hành các hệ thống tự động, các dây chuyền sản xuất tự động tại các nhà máy (xi măng, sắt thép, nước giải khát, dược phẩm,…); thiết kế, điều khiển và chế tạo robot; quản lý sản phẩm tại các công ty trong và ngoài nước kinh doanh về các thiết bị điện tử tự động…
Tuy vậy, với xu thế phát triển của xã hội, một vấn đề đặt ra là nhu cầu của con người thay đổi quá nhanh, nhu cầu sản xuất sản phẩm thay đổi liên tục. Mỗi lần thay đổi sản xuất sản phẩm mới là mỗi lần phải thay đổi lại toàn bộ các máy móc thiết bị, dẫn đến các hệ thống sản xuất dễ bị lỗi thời. Yêu cầu bức thiết đặt ra là làm sao để một dây chuyền có thể sản xuất linh hoạt với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau mà không cần phải thay thế, làm lại các thiết bị máy móc.
Cùng với sự ra đời tiếp theo của PLC (Bộ điều khiển logic khả lập trình), máy tính công nghiệp song song với sự phát triển khoa học trong lĩnh vực điều khiển... hệ thống sản xuất linh hoạt như yêu cầu ở trên đã trở thành hiện thực và trở nên phổ biến. Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là một ngành khá rộng, liên quan đến hầu hết mọi kỹ thuật khoa học công nghệ hiện đại nhất cho sản xuất.
Hiện ngành này được coi là một trong những ngành “hot” tại các trường có đào tạo khối kỹ thuật như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Điện lực hay Đại học Công nghiệp Hà Nội. Theo TS. Vũ Duy Thuận – Phó trưởng khoa Điều khiển và Tự động hóa Trường Đại học Điện lực thì hàng năm khoa nhận được rất nhiều đề nghị tuyển dụng sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá của các doanh nghiệp, tuy nhiên Khoa phải ưu tiên các doanh nghiệp lớn bởi số lượng sinh viên ra trường không đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp.
Cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa?
Đúng như tên gọi, ngành này thực hiện điều điều khiển và tự động hóa các dây chuyền sản xuất công nghiệp trong các nhà máy. Kỹ thuật điều kiển có một cơ sở nền tảng khoa học vững chắc, đảm bảo cho việc điều khiển một cách nhanh chóng, chính xác đạt hiệu suất cao với các dây chuyền sản xuất phức tạp.Với sự ra đời của các mạch điều khiển điện tử, các cảm biến tự động, thủy lực, khí nén... người ta có đủ cơ sở và công cụ để tăng lên mức tự động hóa của các máy móc công nghiệp.
Khoa Điều khiển và tự động hóa Trường Đại học Điện lực cung cấp cho bạn chương trình đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các hệ thống điều khiển và tự động hóa; hệ thống truyền động điện; hệ thống truyền thông công nghiệp, hệ thống đo lường thông minh…Khoa cùng với nhà trường thường xuyên kết hợp với các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực như Tập đoàn General Electric VN, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), các nhà máy sản xuất đạm, sản xuất xi măng... để tổ chức các buổi hội thảo chuyên ngành và tham quan thực tế cho sinh viên. Tại Đại học Điện lực thì sinh viên cũng thường xuyên được rèn luyện qua các lớp kỹ năng thực tế. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, bạn có thể chọn những nơi làm việc phù hợp ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như dây chuyền sản xuất xi măng, dây chuyền sản xuất giấy, dệt, các dây chuyền xử lý nước thải,… hoặc bạn có thể vận hành, thiết kế hệ thống điều khiển và tự động hóa đèn giao thông thành phố.
Sinh viên tốt nghiệp Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có thể công tác tại các Viện Nghiên cứu Điện tử – tin học – Tự động hóa, Viện ứng dụng công nghệ, Trung tâm thiết kế vi mạch, các Khu công nghệ cao,… Giảng viên hoặc chuyên viên nghiên cứu tại các trường Đại học có chuyên ngành Điều khiển tự động trong nước; Các doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực; Các doanh nghiệp tư vấn kỹ thuật, kinh doanh thiết bị tự động hoặc chuyển giao công nghệ;...

Từ những thông tin vừa cung cấp, tin chắc rằng các bạn đã có thể trả lời cho câu hỏi vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa. Đây sẽ là một tiền đề quan trọng để các bạn có những tìm hiểu sâu hơn về Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, chẳng hạn như Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tuyển sinh những tổ hợp môn nào, những tố chất nào phù hợp với Ngành, nên học Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa ở trường nào,… để có những lựa chọn đúng đắn, phù hợp cho tương lai của mình.